Phấn rôm là sản phẩm thường được cha mẹ sử dụng thoa da cho bé sau khi tắm. Tuy nhiên, sản phẩm này có thực sự tốt cho trẻ, hãy cùng VME tìm hiểu kĩ hơn nhé!
Thành phần và tác dụng của phấn rôm
Thành phần chính của phấn rôm là bột talc nghiền mịn, phù hợp với làn da mềm mại của bé. Sản phẩm này thường được dùng để thoa lên các vùng da của bé như lưng, bẹn, nách,… Với khả năng thấm hút cao của bột talc, phấm rôm hút mồ hôi để da bé luôn khô ráo và mềm mịn. Bên cạnh đó, mùi hương được tổng hợp từ hương liệu tự nhiên sẽ giúp bé luôn thơm tho mát mẻ.
Các bậc phụ huynh thường sử dụng phấn rôm thoa da cho bé khi tắm xong để bé khô ráo mát mẻ. Bên cạnh đó loại phấn này cũng được dùng để ngăn ngừa rôm sẩy cho bé. Thoa phấn rôm vào những vùng da nhiều mô hôi sẽ giúp bé phòng ngừa tình trạng mẩn ngứa, rôm sẩy do mồ hôi thừa gây nên.
Phấn rôm có hoàn toàn tốt cho bé?
Tuy là sản phẩm dùng cho trẻ với thành phần khá dịu nhẹ, phấn rôm vẫn gây ra những nguy hại nhất định cho trẻ nếu cha mẹ không sử dụng cẩn thận hoặc sử dụng sai mục đích.
Sản phẩm này không trị được rôm sẩy mà chỉ có tác dụng ngăn ngừa. Nếu cố ý dùng phấn rôm bôi lên các vùng da bị mẩn ngứa của trẻ, tình trạng rôm sẩy có thể nặng hơn. Những hạt phấn li ti có tác dụng thấm hút mồ hôi, nhưng cũng có thể gây bít lỗ chân lông khiến không khí không thông thoáng và tạo nên môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Phấn rôm có thể thoa lên da, nhưng một khi trẻ hít phải sẽ gây ra những bệnh về đường hô hấp, nhất là khi hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu. Những hạt phấn nhỏ có thể len lỏi vào phế nang, làm tắc nghẽn, cản trở hô hấp thậm chí gây thiếu oxy, tím tái.
Nếu tích tụ lâu và nhiều, phấn rôm sẽ làm sưng, viêm nhiễm đường thở và gây nên bệnh viêm phế quản.
Bên cạnh đó, các chất có trong phấn rôm như bột talc, muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm cũng gây hại nhất định nếu hít vào hoặc tiếp xúc quá nhiều.
Những lưu ý khi dùng phấn rôm cho trẻ
– Khi mua phấn rôm cho trẻ, cha mẹ nên chú ý lựa chọn sản phẩm của những thương hiệu uy tín, được kiểm chứng và có chứng chỉ an toàn cho da. Bên cạnh đó, phấn phải còn hạn sử dụng và không chứa các chất gây hại.
– Trước khi sử dụng cho da toàn thân, nên lấy một lượng ít thoa lên da tay bé và theo dõi trong 24 giờ. Nếu được, hãy nhờ các bác sĩ tư vấn về nhãn hiệu phấn bạn muốn mua cho trẻ.
– Tuyệt đối không thoa phấn lên mặt, mắt, vùng da bị hăm hay viêm nhiễm, không nên thoa phấn ở nơi có gió và đậy nắp lọ phấn kĩ càng, để xa tầm tay bé.
– Nếu bé có triệu chứng nổi mẩn ngứa, ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở khi dùng phấn, hãy ngưng cho bé sử dụng và đưa bé đến trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe.
Có thể thấy, tuy có tác dụng trong việc giữ cho da bé khô thoáng thơm tho, nhưng phụ huynh cũng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng sản phẩm này, tránh gây nên những hệ lụy cho sức khỏe của trẻ. Hãy theo dõi những bài viết của chúng tôi để có thêm thông tin bạn nhé!